Chăm sóc cột sống cổ và phòng ngừa bệnh đau mỏi cổ vai gáy là rất quan trọng, đặc biệt trong thời đại mà chúng ta thường xuyên ngồi làm việc trước máy tính hoặc sử dụng điện thoại liên tục sai tư thế, căng thẳng stress…
Hãy cùng tìm hiểu triệu chứng, nguyên nhân và những cách chăm sóc, phòng ngừa hiệu quả:
1. Đau mỏi cổ vai gáy là gì?
Đau mỏi cổ vai gáy là tình trạng đau nhức, căng cứng vùng cổ, vai và gáy, thường xảy ra do co cứng cơ, thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ… Cơn đau có thể âm ỉ, kéo dài, tê xuống ngón tay hoặc đau dữ dội từng cơn, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống.
2. Nguyên nhân phổ biến:
- Ngồi sai tư thế trong thời gian dài (nhất là học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng)
- Mang vác vật nặng không đúng cách
- Ngủ sai tư thế, kê gối quá cao
- Bị nhiễm lạnh đột ngột hoặc thay đổi thời tiết
- Cơ thể bị nhiễm hàn lạnh lâu ngày: Thói quen tắm gội khuya, ăn uống đồ sống lạnh, ăn mặc phong phanh…
- Thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm, lồi, lệch, lõm đốt sống cổ gây chèn ép động mạch sống nền, dây hoặc rễ thần kinh tủy cổ
- Ăn uống thiếu dinh dưỡng: Canxi, magiê…
- Stress, căng thẳng kéo dài
- Chấn thương, tai nạn…
3. Triệu chứng điển hình:
- Căng cứng, đau mỏi vùng cổ, vai, gáy
- Khó xoay cổ, cảm giác tê lan xuống cánh tay, các ngón tay
- Nhức đầu, chóng mặt, ù tai
- Mệt mỏi, giảm tập trung, mất ngủ… do thiếu máu lên não.
4. Biện pháp phòng ngừa và cải thiện:
- Tư thế đúng khi làm việc và sinh hoạt: Ngồi thẳng lưng, cổ thẳng, vai thả lỏng, không đứng và ngồi quá lâu
- Màn hình máy tính ngang tầm mắt, không cúi đầu lâu
-Tránh ngủ gục trên bàn hoặc kê gối quá cao khi ngủ
- Khi dùng điện thoại, nên đưa lên ngang tầm mắt, không cúi cổ
- Vận động nhẹ nhàng, kéo giãn cột sống bằng cách kiễng chân và vươn 2 tay lên trên
- Tập các bài giãn cơ cổ vai gáy mỗi 1 giờ khi làm việc
- Tập yoga, bơi lội, đi bộ giúp lưu thông máu tốt hơn
- Tránh mang vác vật nặng đè lên cổ hoặc vai quá sức
- Tránh xoay cổ đột ngột
- Xoa bóp, chà xát vùng cổ vai gáy hàng ngày giúp thư giãn cơ, giảm căng cứng, khí huyết được lưu thông
- Có thể dùng thêm miếng dán nóng, chườm ấm vùng cổ vai
- Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý
- Bổ sung thực phẩm giàu canxi, vitamin D, omega-3 (sữa, cá hồi, rau xanh…)
- Hạn chế ăn uống đồ lạnh, luôn giữ ấm cơ thể
- Không tắm gội về khuya, giữ ấm khi đi ngoài trời lạnh. Không nên để máy lạnh, quạt trực tiếp vào đầu, vùng cổ gáy
- Ngủ đủ giấc, tránh thức khuya
- Đi khám bác sĩ chuyên khoa khi bệnh kéo dài không đỡ…
5. Khi nào cần đi khám?
Nếu bạn gặp các dấu hiệu sau thì nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa khám để tìm hiểu rõ nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp:
- Đau kéo dài không giảm sau vài ngày
- Cơn đau lan xuống cánh tay, kèm yếu hoặc tê bì
- Nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt liên tục
- Có tiền sử thoái hóa, chấn thương vùng cổ…
Chương trình “Chăm sóc, phòng bệnh và phục hồi cột sống ban đầu, thuận tự nhiên"