Nguồn: BS CKII Huỳnh Tấn Vũ
1. Đặc điểm các đốt sống cổ
Cột sống cổ gồm 7 đốt sống cổ ký hiệu từ C1 - C7, 5 đĩa đệm và 1 đĩa đệm chuyển đoạn (đĩa đệm cổ - lưng C7 - D1), giữa đốt sống C1 - C2 không có đĩa đệm. Mỏm ngang có lỗ ngang hay lỗ động mạch đốt sống. Cột sống cổ gồm hai vùng chính có cấu trúc khác nhau: cột sống cổ trên (C1 - C2) và cột sống cổ dưới (C3 - C7), tổn thương ở từng vùng sẽ có biểu hiện lâm sàng.
2. Cấu trúc mô mềm
Đĩa đệm cột sống cổ: đĩa đệm là bộ phận chính cùng với các dây chằng đảm bảo sự liên kết chặt chẽ giữa các thân đốt sống và đóng vai trò hấp thu chấn động. Đĩa đệm có thấu kính hai mặt lồi, nằm trong khoang gian đốt sống, bao gồm nhân nhầy, vòng sợi và mâm sụn.
Các dây chằng: cùng với đĩa đệm, các dây chằng đảm bảo sự liên kết chặt chẽ giữa các thân đốt sống và đóng vai trò hấp thu chấn động, bao gồm các loại: dây chằng dọc trước, dây chằng dọc sau, dây chằng vàng, dây chằng liên gai.
3. Cấu trúc thần kinh
Cấu trúc tủy và dây thần kinh: tủy sống cổ có 8 khoanh bắt đầu từ C1 - D1 chứa trong ống sống, tách ra 8 đôi rễ trước chi phối vận động, 8 đôi rễ sau chi phối cảm giác. Dây thần kinh cổ khi ra khỏi lỗ gian đốt sống được chia thành 2 nhánh, nhánh trước các dây C1 - C4 tạo thành đám rối thần kinh cánh tay. Nhánh sau chi phối cho da và cơ ở sau gáy.
4. Chức năng cột sống cổ
Vận động: Cột sống cổ có tầm vận động linh hoạt hơn cột sống thắt lưng là do khớp đốt sống cổ có góc nghiêng phù hợp, do khả năng đàn hồi của đĩa đệm, do đốt sống C1 có thể quay quanh C2 nên đảm bảo cho đầu chuyển động nhanh và dễ dàng. Chức năng vận động bao gồm các động tác cúi, ngửa, nghiêng, xoay. Cúi và ngửa tổng cộng một góc 127o, nghiêng tối đa 72o, xoay tối đa 142o.
Chịu tải trọng và bảo vệ tủy: Ở cột sống cổ, các thân đốt sống nhỏ, đĩa đệm không chiếm toàn bộ bề mặt thân đốt sống, do đó tải trọng tác động lên đĩa đệm cột sống cổ lớn hơn các phần khác của cột sống. Tải trọng dẫn tới sự giảm chiều cao gian đốt. Khoang gian đốt C2 - C3, C5 - C6 là những nơi chịu tải trọng nhất ở cột sống cổ, nên hay gặp thoái hóa ở những đoạn đốt sống cổ này.
5. Nguyên nhân thoái hóa cột sống cổ
- Quá trình lão hóa của tổ chức sụn, tế bào và tổ chức khớp và quanh khớp (cơ cạnh cột sống, dây chằng, thần kinh…).
- Tình trạng chịu áp lực quá tải kéo dài của sụn khớp.
- Ngày nay, tỷ lệ mắc bệnh thoái hóa cột sống cổ đang gia tăng đáng kể và ngày càng trẻ hóa có thể do lối sống tĩnh tại, tư thế lao động ngồi tại chỗ nhiều, phải tiếp xúc với máy tính nhiều, tư thế sử dụng điện thoại, cúi đầu lâu, làm các động tác biên độ hẹp lặp đi lặp lại kéo dài vượt quá sự thích nghi và chịu đựng của cột sống dẫn đến phát sinh bệnh lý. Theo nghiên cứu của Guan (2016) và Kutty (2019), cho thấy trọng lượng đầu của một người trưởng thành ở tư thế bình thường và thẳng đứng, tai hướng về phía giữa vai là 4,5–5,4 kg. Bằng cách cúi đầu về phía trước, lực tác dụng lên cổ ở các góc cúi đầu 15, 30, 45 và 60 độ tăng lên lần lượt là 12,3; 18,2; 22,3 và 27,3 kg, lâu dài sẽ ảnh hưởng tới cấu trúc cơ thể, rối loạn cơ xương, có thể bị đau cổ vừa và nặng.
6. Lâm sàng, cận lâm sàng và chẩn đoán
6.1. Lâm sàng
Biểu hiện lâm sàng của thoái hóa cột sống cổ rất đa dạng. Đau vai gáy là một trong những triệu chứng phổ biến nhất trên lâm sàng của thoái hóa cột sống cổ, đau thường âm ỉ, kéo dài, kèm theo hạn chế vận động cột sống cổ và có thể xuất hiện đợt cấp khi gặp các yếu tố nguy cơ như gặp lạnh, vận động cột sống cổ sai tư thế lâm sàng của thoái hóa cột sống cổ thường gồm bốn hội chứng chính sau và tùy theo vị trí cột sống cổ bị tổn thương mà các biểu hiện có thể xuất hiện riêng lẻ hoặc đồng thời.
- Hội chứng cột sống cổ: Đau, có thể kèm theo co cứng vùng cơ cạnh cột sống cổ cấp hoặc mạn tính; triệu chứng đau tăng lên ở tư thế cổ thẳng hoặc cúi đầu kéo dài, mệt mỏi, căng thẳng, lao động nặng, thay đổi thời tiết đặc biệt bị nhiễm lạnh; có điểm đau cột sống cổ; hạn chế vận động cột sống cổ.
- Hội chứng rễ thần kinh cổ: Tùy theo vị trí rễ tổn thương (một bên hoặc cả hai bên) mà đau lan từ cổ xuống tay bên đó. Có thể đau tại vùng gáy, đau quanh khớp vai. Đau sâu trong cơ xương, bệnh nhân có cảm giác nhức nhối; có thể kèm cảm giác kiến bò, tê rần dọc cánh tay, có thể lan đến các ngón tay. Đau tăng lên khi vận động cột sống cổ ở các tư thế (cúi, ngửa, nghiêng, quay) hoặc khi ho, hắt hơi, ngồi lâu… Có thể kèm theo hiện tượng chóng mặt, yếu cơ hoặc teo cơ tại vai, cánh tay bên tổn thương.
- Hội chứng động mạch đốt sống: Nhức đầu vùng chẩm, thái dương, trán và hai hố mắt thường xảy ra vào buổi sáng; có khi kèm chóng mặt, ù tai, hoa mắt, mờ mắt, nuốt vướng; đau tai, lan ra sau tai, đau khi để đầu ở một tư thế nhất định.
- Hội chứng ép tủy: Tùy theo mức độ và vị trí tổn thương mà biểu hiện chỉ ở chi trên hoặc cả thân và chi dưới. Dáng đi không vững, đi lại khó khăn; yếu hoặc liệt chi, teo cơ ngọn chi, dị cảm. Tăng phản xạ gân xương.
- Biểu hiện khác: Dễ cáu gắt, thay đổi tính tình, rối loạn giấc ngủ, giảm khả năng làm việc…
6.2. Cận lâm sàng
− Các xét nghiệm phát hiện dấu hiệu viêm, bilan phosphor - calci thường ở trong giới hạn bình thường. Tuy nhiên cần chỉ định xét nghiệm bilan viêm, các xét nghiệm cơ bản nhằm mục đích loại trừ những bệnh lý như viêm nhiễm, bệnh lý ác tính và cần thiết khi chỉ định thuốc.
− Xquang cột sống cổ thường quy với các tư thế sau: thẳng, nghiêng, chếch ¾ trái và phải. Trên phim Xquang có thể phát hiện các bất thường: mất đường cong sinh lí, gai xương ở thân đốt sống, giảm chiều cao đốt sống, đĩa đệm, đặc xương dưới sụn, hẹp lỗ liên hợp…
− Chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống cổ: phương pháp có giá trị nhất nhằm xác định chính xác vị trí rễ bị chèn ép, vị trí khối thoát vị, mức độ thoát vị đĩa đệm, mức độ hẹp ống sống, đồng thời có thể phát hiện các nguyên nhân ít gặp khác (viêm đĩa đệm đốt sống, khối u, …).
− Chụp CT-scan: do hiệu quả chẩn đoán kém chính xác hơn nên chỉ được chỉ định khi không có điều kiện chụp cộng hưởng từ.
− Điện cơ: giúp phát hiện và đánh giá tổn thương các rễ thần kinh.
6.3. Chẩn đoán
- Chẩn đoán xác định: Hiện tại vẫn chưa có tiêu chuẩn chẩn đoán xác định bệnh lý thoái hóa cột sống cổ. Chẩn đoán cần dựa vào triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng, trong đó: Đau tại vùng cột sống cổ và có một hoặc nhiều các triệu chứng thuộc bốn hội chứng nêu trên. Xquang cột sống cổ bình thường hoặc có các triệu chứng của thoái hóa. Cộng hưởng từ hoặc CT-scan: vị trí, mức độ rễ thần kinh bị chèn ép; nguyên nhân chèn ép (thoát vị đĩa đệm, gai xương...). Cần lưu ý: gần đây tình trạng toàn thân không bị thay đổi, không sốt, không có các rối loạn chức năng thuộc bất cứ cơ quan nào (dạ dày, ruột, sản phụ khoa, phế quản - phổi...) mới xuất hiện; không có các biểu hiện đau các vùng cột sống khác: lưng, cổ, sườn, khớp khác... Các xét nghiệm dấu hiệu viêm và bilan phospho-calci âm tính.
- Chẩn đoán phân biệt: Các chấn thương vùng cột sống cổ gây tổn thương xương và đĩa đệm. Các ung thư xương hoặc di căn xương, các bệnh lý tủy xương lành tính hoặc ác tính. U nội tủy, u thần kinh… Bệnh lý của hệ động mạch sống nền.
7. Điều trị
7.1. Nguyên tắc chung: Cần phối hợp phương pháp nội khoa và phục hồi chức năng, luyện tập, thay đổi lối sống nhằm bảo vệ cột sống cổ, tránh tái phát. Áp dụng các liệu pháp giảm đau theo mức độ nhẹ - vừa - nặng, hạn chế sử dụng dài ngày. Cần tăng cường các nhóm thuốc điều trị bệnh theo nguyên nhân.
7.2. Điều trị cụ thể
* Điều trị nội khoa: bằng các nhóm thuốc giảm đau (Paracetamol, Tramadol,…), thuốc giảm đau chống viêm không steroid liều thấp, thuốc giãn cơ, thuốc chống thoái hóa tác dụng chậm (piascledine, glucosamine sulfate, diacerein,…), thuốc giảm đau thần kinh (nếu có biểu hiện đau theo kiểu rễ), hoặc phương pháp tiêm Glucocorticoid cạnh cột sống,....
* Phục hồi chức năng:
- Nguyên tắc phục hồi chức năng và điều trị
+ Giảm đau, giảm co rút co cứng cơ.
+ Chống thoái hóa.
+ Phục hồi tầm vận động cột sống cổ.
+ Phục hồi các hoạt động chức năng hàng ngày.
+ Phục hồi cơ, thần kinh vùng cánh tay.
- Các phương pháp và kỹ thuật phục hồi chức năng
+ Giai đoạn cấp: Người bệnh nằm tại giường, đầu kê trên một gối mỏng. Mang nẹp cổ trong thời gian còn đau để hạn chế cử động (Collar cổ). Nếu sau vài ngày nằm nghỉ mà người bệnh không bớt đau, cho kéo giãn cột sống ở thế nằm với trọng lượng 2-3kg liên tục trong 5-7 ngày. Duy trì lực cơ ở các chi và chi bằng gồng cơ và vận động chủ động các khớp như bả vai-lồng ngực, vai,…
+ Giai đoạn bán cấp, mãn tính: Tập luyện và giảm đau co thắt cơ bằng các phương thức vật lý trị liệu:
o Nhiệt nóng và xoa bóp vùng cổ và vai để tạo sự giãn cơ.
o Dòng điện giảm đau: TENS, giao thoa, điện phân dẫn thuốc (Natri salicylat 3%).
o Siêu âm hoặc siêu âm dẫn thuốc chống viêm giảm đau.
o Kéo giãn cột sống cổ bằng máy ở tư thế ngồi/nằm ngửa: 10% trọng lượng cơ thể trong 10-20p/ngày.
o Tập luyện các bài tập theo tầm vận động cột sống cổ, vai tay. Điều chỉnh tư thế cột sống cổ khi làm việc, trong sinh hoạt để tránh gập hoặc quá ưỡn kéo dài. Các bài tập được thực hiện khi đang điều trị và sau điều trị: Tập chủ động các cử động theo tầm vận động cột sống cổ; Kéo giãn bằng tay các cơ co thắt, co ngắn: cơ nâng vai, co thang bó trên, ức đòn chũm,…; Tập gồng cơ cổ; Duy trì và tập mạnh sức cơ bằng gồng cơ vùng cổ, vai, cánh tay,…
* Điều trị ngoại khoa: Chỉ chỉ định áp dụng trong các trường hợp: có biểu hiện chèn ép rễ thần kinh hoặc tủy sống tiến triển nặng, trượt đốt sống độ 3-4 hoặc đã thất bại với điều trị nội khoa và phục hồi chức năng sau 03 tháng.
8. Các thể lâm sàng và điều trị theo y học cổ truyền
Điều trị giảm đau bằng y học cổ truyền là phương pháp điều trị mang lại hiệu quả cao và an toàn bằng các bài thuốc điều trị và các phương pháp không dùng thuốc. Dựa vào từng thể bệnh mà có các pháp trị, phương dược và phác đồ huyệt cụ thể như sau:
8.1. Thể phong hàn:
- Triệu chứng: Đau nhức vùng đầu, cổ, vai, và ngực lưng, có điểm đau cố định ở cổ, có thể sờ thấy co cơ ở cổ vai gáy, cứng cổ, hạn chế vận động. Đau, tê, nhức tứ chi, có thể có cảm giác nặng và yếu 2 chi trên, đau nặng đầu thích ấm, sợ lạnh, lưỡi nhợt, rêu trắng mỏng, mạch phù hoãn hoặc sáp.
- Pháp điều trị: Trừ phong, tán hàn, thông kinh hoạt lạc.
- Phương dược: Quế chi gia Cát căn thang gia giảm.
- Châm cứu: Châm tả các huyệt: Phong trì, Hậu khê, Kiên tỉnh, Thủ tam lý, Thiên trụ, Ngoại quan, Đại chùy, Liệt khuyết, Giáp tích C4 - C7, Hợp cốc, A thị huyệt. Liệu trình ngày 01 lần, mỗi lần chọn 8 - 12 huyệt. Một liệu trình từ 20 - 30 lần châm tùy theo mức độ bệnh.
- Nhĩ châm: Vùng vai cánh tay, cổ, vai, gáy, cột sống.
- Các kỹ thuật châm khác: Điện châm, điện trường châm.
- Thủy châm: Sử dụng thuốc theo y lệnh, có chỉ định tiêm bắp, thủy châm các huyệt: kiên trung du, kiên trinh, kiên tỉnh, thiên tông.
- Xoa bóp bấm huyệt: Thực hiện thủ thuật: Xoa, xát, day, lăn, đấm, chặt, bóp, ấn, bấm huyệt (các huyệt như công thức châm cứu), vận động cột sống cổ (cúi, ngửa, nghiêng, quay). Mỗi lần xoa bóp 15 - 20 phút. Ngày xoa bóp 01 lần. Một liệu trình kéo dài 20 đến 30 ngày tùy theo mức độ bệnh.
8.2. Thể thấp nhiệt:
- Triệu chứng: Đau và hạn chế vận động vùng vai gáy, vùng cột sống và phần mềm xung quanh sưng, nóng, có sốt, chất lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch phù sác.
- Pháp điều trị: Thanh nhiệt giải độc, trừ thấp, hành khí hoạt huyết.
- Phương dược: Bạch hổ quế chi thang hoặc Quế chi thược dược tri mẫu thang.
- Châm cứu: Châm tả các huyệt: Hậu khê, Phong trì, Đại chùy, Ngoại quan, Kiên tỉnh, Hợp cốc, Thủ tam lý, A thị huyệt, Thiên trụ, Giáp tích C4 - C7. Liệu trình ngày 01 lần, mỗi lần chọn 8 - 12 huyệt. Một liệu trình từ 20 - 30 lần châm tùy theo mức độ bệnh.
- Xoa bóp bấm huyệt: Thực hiện thủ thuật: Xoa, xát, day, lăn, đấm, chặt, bóp, ấn, bấm huyệt (các huyệt như công thức châm cứu), vận động cột sống cổ (cúi, ngửa, nghiêng, quay). Mỗi lần xoa bóp 15 - 20 phút. Ngày xoa bóp 01 lần. Một liệu trình kéo dài 20 đến 30 ngày tùy theo mức độ bệnh.
- Nhĩ châm, thủy châm và các ký thuật châm khác tương tự thể phong hàn.
8.3. Thể huyết ứ:
- Triệu chứng: Đau nhức, tê vùng đầu, cổ, vai và ngực lưng; tê, đau nhói cố định, đau tăng về đêm, ban ngày đỡ đau, đau cự án, co cứng cơ tại chỗ và tứ chi, kích thích khó chịu, miệng khô, lưỡi tím, có thể có điểm ứ huyết, mạch huyền hoặc sáp.
- Pháp trị: Hoạt huyết hóa ứ, thông kinh hoạt lạc chỉ thống.
- Phương dược: Tứ vật đào hồng hoặc Đào hồng ẩm.
- Châm cứu: Châm tả các huyệt: Hậu khê, Thân mạch, Hợp cốc, Tam âm giao, Kiên tỉnh, Thủ tam lý, Thiên trụ, Giáp tích C4 - C7, A thị huyệt. Châm ngày 1 lần, mỗi lần chọn 8 - 12 huyệt. Một liệu trình điều trị từ 20 - 30 lần châm tùy theo mức độ bệnh.
- Xoa bóp bấm huyệt: Tương tự như thể phong hàn, bấm các huyệt tương tự như công thức huyệt trên.
- Nhĩ châm, thủy châm và các ký thuật châm khác tương tự thể phong hàn.
8.4. Thể can thận âm hư:
- Triệu chứng: Đau nhức vai gáy và ngực lưng, đau căng đầu, tê và yếu tứ chi, đau mỏi lưng gối, hoa mắt chóng mặt, nhìn mờ, triều nhiệt, ra mồ hôi trộm, miệng họng khô, lưỡi đỏ ít rêu, mạch tế sác.
- Pháp trị: Tư dưỡng can thận, hoạt huyết thông kinh lạc.
- Phương dược: Quyên tý thang hoặc Hồ tiềm hoàn.
- Châm cứu: Châm bổ các huyệt: Thái khê, Đại trữ, Huyền chung, Giáp tích C4- C7, Thủ tam lý, Thiên trụ, A thị huyệt. Châm ngày 1 lần, mỗi lần chọn 8 – 12 huyệt. Một liệu trình điều trị từ 20 – 30 lần châm tùy theo mức độ bệnh.
- Xoa bóp bấm huyệt: Tương tự như thể phong hàn, bấm các huyệt tương tự như công thức huyệt trên.
- Nhĩ châm, thủy châm và các ký thuật châm khác tương tự thể phong hàn.
8.5. Trên lâm sàng thường gặp 2 thể:
- Thể phong hàn thấp tý: Giai đoạn đầu chủ yếu biểu hiện vùng cổ gáy đau nhức, cứng khó vận động, đau tăng lên khi gặp lạnh, gió, mưa, ẩm, đau giảm khi chườm ấm hoặc xoa bóp. Ngoài ra, có các triệu chứng đau đầu, đau lan xuống vai, tay, vận động nặng nề, khó khăn, không sưng nóng đỏ các khớp, rêu lưỡi trắng mỏng hoặc hơi nhớt, mạch phù hoạt. Pháp trị: khu phong tán hàn, trừ thấp thông kinh lạc.
- Thể phong hàn thấp tý kèm can thận hư: Vùng cổ gáy đau nhức, cứng khó vận động; đau tăng khi gặp lạnh, gió, mưa, ẩm; sợ lạnh, cảm giác lạnh vùng cổ gáy, đau giảm khi chườm ấm hoặc xoa bóp, bệnh lâu ngày, thể chất hư yếu, tà khí làm tổn thương tạng phủ, có các triệu chứng đau đầu, đau lan xuống vai, tay, can thận hư gây cân cơ co rút, xương khớp nhức đau, biến dạng, vận động nặng nề, khó khăn. Pháp trị: khu phong, tán hàn, trừ thấp, bổ can thận.
9. Tiến triển - biến chứng: Chèn ép thần kinh gây hội chứng vai cánh tay một hoặc hai bên. Chèn ép các động mạch đốt sống gây đau đầu, chóng mặt. Chèn ép tủy: gây yếu, đau tứ chi, đi lại khó khăn hoặc liệt không vận động được.
10. Phòng bệnh: Phát hiện và điều trị sớm các dị tật cột sống cổ. Tránh các tư thế cột sống cổ bị quá tải do vận động và trọng lượng, tránh các động tác mạnh đột ngột tại cột sống cổ.
Chương trình “Chăm sóc, phòng bệnh và phục hồi cột sống ban đầu, thuận tự nhiên"