Thoái hóa cột sống theo y học hiện đại và cổ truyền

THOÁI HÓA CỘT SỐNG THEO Y HỌC HIỆN ĐẠI

 

Thoái hóa cột sống là bệnh mạn tính, tiến triển từ từ tăng dần gây đau, hạn chế vận động, biến dạng cột sống mà không có biểu hiện viêm. Tổn thương cơ bản của bệnh là tình trạng thoái hóa sụn khớp và đĩa đệm cột sống phối hợp với những thay đổi ở phần xương dưới sụn và màng hoạt dịch.

Thoái hóa cột sống thường gặp ở vị trí cột sống cổ và cột sống thắt lưng. thoái hóa cột sống là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đau cổ và đau thắt lưng mạn tính ở người 30 - 60 tuổi.

 

1. Nguyên nhân thoái hóa cột sống

Các bằng chứng chỉ ra nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh của thoái hóa cột sống còn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ liên quan đáng kể đến quá trình phát sinh bệnh trong đó tuổi tác là yếu tố liên quan chặt chẽ nhất. Thoái hóa cột sống là hậu quả của nhiều yếu tố: tuổi cao, nữ, nghề nghiệp lao động nặng, một số yếu tố khác như: tiền sử chấn thương cột sống, bất thường trục chi dưới, tiền sử phẫu thuật cột sống, yếu cơ, di truyền, tư thế lao động,… Do tình trạng chịu áp lực quá tải lên sụn khớp và đĩa đệm lặp đi lặp lại kéo dài trong nhiều năm dẫn đến sự tổn thương sụn khớp, phần xương dưới sụn, mất tính đàn hồi của đĩa đệm, xơ cứng dây chăng bao khớp tạo nên những triệu chứng và biến chứng trong thoái hóa cột sống.

- Sự lão hóa: Theo quy luật của tự nhiên, khả năng sinh sản và tái tạo sụn giảm dần và mất hẳn cùng với quá trình tích tuổi. Các tế bào sụn với thời gian tích tuổi lâu dần sẽ già, khả năng tổng hợp các chất tạo nên sợi collagen và mucopolysaccharide sẽ giảm sút và rối loạn, chất lượng sụn sẽ kém dần, tính đàn hồi và chịu lực giảm. Thoái hóa cột sống tăng dần từ những năm 50 đến 80 tuổi.

- Yếu tố nguy cơ: Tuổi, giới, chủng tộc, các tác nhân gene, chấn thương khớp lớn, sự căng thẳng lặp đi lặp lại, các thiếu hụt bẩm sinh mắc phải, bệnh khớp viêm có trước, các rối loạn chuyển hóa hay nội tiết,… Một số hoạt động thể thao hoặc nghề nghiệp, thoái quen xấu trong sinh hoạt hàng ngày, mang vác nặng gây tăng tải trọng lên khớp hoặc chấn thương khớp lặp đi lặp lại, tạo thuận lợi cho quá trình thoái hóa. Béo phì gây nên những thay đổi về mặt tư thế, dáng đi và toàn bộ hoạt động vận động của cơ thể, làm tăng bất thường lực nén trên một đơn vị mặt khớp hoặc đĩa đệm. Biến dạng thứ phát sau chấn thương, viêm nhiễm gây thay đổi hình thái của xương, sụn khớp và khớp làm thay đổi hình thái, tương quan của khớp và cột sống, thức đẩy quá trình thoái hóa khớp.

- Các dị dạng bầm sinh: như gù, vẹo cột sống, tật chân khoèo, dị dạng bàn chân,… làm thay đổi trục khớp tạo nên những điểm tỳ đè bất thường trên mặt khớp hoặc trên các đĩa đệm cột sống.

- Các nhà nghiên cứu tìm ra hơn 80 đột biến gen có liên quan thoái hóa khớp có vai trò trong phát sinh, duy trì, sữa chữa khớp hoạt dịch, tính di truyền của thoái hóa cột sống rõ ràng nhất ở vùng cổ và lưng. Bước đầu qua các công trình nghiên cứu nhận thấy ở người bệnh thoái hóa sụn khớp và đĩa đệm có những thay đổi hoạt động miễn dịch được thể hiện dưới dạng: Tăng đáp ứng miễn dịch tế bào; Trong miễn dịch thể dịch tạo nên kháng thể trong tổ chức khoang khớp; Có sự di truyền miễn dịch, biểu hiện qua hệ kháng nguyên phù hợp tổ chức ở người bị thoái hóa sụn khớp có HLAB7 và HLAB8 tăng cao hơn ở người bình thường.

Cơ chế bệnh sinh của thoái hóa cột sống là sự kết hợp của 2 quá trình: thoái hóa sinh lý tự nhiên theo lứa tuổi và thoái hóa bệnh lý mắc phải (chấn thương, rối loạn chuyển hóa, miễn dịch, nhiễm khuẩn).

 

2. Quá trình thoái hóa cột sống

- Thoái hóa cột sống là sự thoái hóa các thành phần của xương, đĩa đệm cùng các dây chằng cột sống. Dây chằng quanh cột sống bị kéo giãn ra và đóng vôi ở đoạn sát bờ đĩa đệm để tạo nên các gai xương. Mô xương thường xuất hiện ở bờ trước thân đốt sống, ít khi thấy ở bờ sau, nếu có thì sẽ chèn ép vào tủy sống. Quá trình thoái hóa này nặng dần theo tuổi dẫn đến phì đại mỏm khớp và lỏng lẻo dây chằng.

- Hậu quả của thoái hóa cột sống dẫn đến hẹp lỗ liên hợp (do mọc gai xương, phì đại mỏm khớp, hẹp đĩa đệm); trượt thân đốt sống (do mỏm khớp thoái hóa nặng, dây chằng trở nên lỏng lẻo, hở eo) và tình trạng hẹp ống sống.

- Bệnh thoái hóa cột sống thường bắt đầu bằng thoái hóa đĩa đệm. Sau đó thoát vị của đĩa đệm có thể xảy ra. Tình trạng thu hẹp không gian đĩa đệm xảy ra và làm thay đổi cơ chế sinh học của cột sống dẫn đến tình trạng thoái hóa thân đốt sống và khớp mặt. Cuối cùng, những thay đổi này dẫn đến hẹp ống sống, là đích đến cuối cùng của bệnh thoái hóa cột sống.

+ Tại đĩa đệm: Thoái hóa đĩa đệm gồm tổn thương nhân nhầy mất nước, vòng sợi giảm chiều cao và có nhiều vết rách, nứt, xơ hóa đĩa đệm. Đĩa đệm bị thoái hóa mất nước nên môi trường và các thành phần cơ bản và tế bào của đĩa đệm thay đổi, sinh ra acid lactic dẫn đến pH trong đĩa đệm giảm. Những biến đổi này sản sinh các chất gây viêm như IL-6, IL-1β, prostaglandins-E2, NO,… lan tỏa đến lớp ngoài cùng của đĩa đệm kích thích các thụ thể tại đây gây đau. Sự xơ hóa và thu hẹp đĩa đệm, cùng với những tiến triển đồng thời là thoái hóa sụn và lỏng lẻo của các cấu trúc dây chằng dẫn đến tình trạng thoát vị đĩa đệm.

+ Tại khớp đốt sống: Thoái hóa diện khớp đốt sống tượng tự diễn tiến của quá trình thoái hóa tự nhiên, giai đoạn đầu sụn phì đại, tăng cường khả năng tự sửa chữa khi có sự thoái hóa xảy ra, giai đoạn sau khả năng này suy sụp, sụn giảm đồng hóa (giảm tổng hợp collagen và proteoglycan), các sản phẩm thoái hóa hình thành gây viêm: IL-6, IL-1β, TNF-α, NO,… tác động lên các thụ thể đau tại bao khớp và các nhánh thần kinh lân cận gây đau. Sức chịu đựng của sụn kém hơn đối với các tác động cơ học đưa đến sự hủy hoại sụn và mặt khớp mất dần lớp sụn, tất cả góp phần hẹp lỗ liên hợp, dễ chèn ép thần kinh.

+ Tại đốt sống: Quá trình thoái hóa thân đốt sống hình thành gai xương. Sụn bị hủy hoại, xương không được che chở đã tổn thương vì các đòi hỏi cơ học, xương dưới sụn phản ứng bằng cách tăng sinh, tái tạo bất thường để bù trừ mất sụn, mở rộng điểm tựa, thành lập gai xương. Các gai xương này có thể kích thích các thụ thể đau ở màng xương gây đau. Đau xuất hiện khi gai xương chèn ép vào các nhánh thần kinh lân cận và thần kinh đi qua lỗ liên hợp nên thường gây đau do cơ chế chèn ép.

 

thoái hóa cột sống

 

THOÁI HÓA CỘT S​ỐNG THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN

 

Biểu hiện bệnh lý của thoái hóa khớp nói chung và thoái hóa cột sống nói riêng là đau cố định tại khớp, tăng khi vận động, khi thay đổi thời tiết, tê, mỏi, nặng vùng cơ thể tương ứng. Theo y học cổ truyền, tùy vào vị trí khớp bị thoái hóa, các triệu chứng mà thoái hóa cột sống được mô tả trong bệnh danh lạc chẩm, kiêm bối thống (vùng cổ vai gáy), chứng tích thống, bối thống (toàn bộ lưng), thoái hóa cột sống thuộc phạm vi Chứng Tý.

Tý đồng âm với Bí, tức là bế tắc lại không thông. Chứng tý là do tà khí phong hàn thấp nhiệt ở ngoài xâm nhập vào cơ thể, đóng bít ngăn trở kinh lạc, khí huyết vận hành không thông lợi mà gây ra đau.

Nguyên nhân gây chứng tý rất đa dạng, bao gồm:

- Ngoại nhân: Do phong, hàn, thấp, nhiệt thừa lúc tấu lý sơ hở xâm nhập vào cân, cơ, khớp, xương, kinh lạc,… làm bế tắc kinh mạch, khí huyết không lưu thông gây đau.

- Nội thương: Rối loạn tình chí, hoặc tiên thiên bất túc, hoặc do mắc bệnh lâu ngày, tuổi cao can thận hư yếu, sau kinh nguyệt, sinh đẻ làm khí huyết suy kém, âm dương không điều hòa.

- Bất nội ngoại nhân: Do lao động vất vả, ăn uống, tình dục không điều độ, đàm ẩm hoặc do bị chấn thương làm huyết ứ khí trệ, gây bế tắc kinh lạc vùng cổ gáy, lưng gây đau, hạn chế vận động.

 

Chương trình “Chăm sóc, phòng bệnh và phục hồi cột sống ban đầu, thun tự nhiên"